Đổi mới hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

1. Cơ sở pháp lý để thực hiện hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
1.1. Các văn kiện của Đảng
Văn kiện Đại hội XII khảng định để Phát triển nhanh bền vững sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại một trong những định hướng lớn cần thực hiện quyết liệt là:

“Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;…”
Trong Văn kiện Đại hội XII lần này, kế thừa quan điểm của nhiệm kỳ trước, Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” cũng nêu rõ: Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nguồn lực quốc gia và khả năng đầu tư cho giáo dục của Nhà nước và phần đông gia đình còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặt ra nhiệm vụ nặng nề và thách thức lớn đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Nội dung giáo dục nghề nghiệp được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo.
1.2. Các văn bản luật
Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp được thể chế hóa tại điều 51, 52 Luật GDNN Số74/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
Điều 30, 31 Nghị định Số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp qui định chi tiết quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
2. Thực trạng sự hợp tác giữa cơ sở TVET và doanh nghiệp
2.1.Thực trạng sự hợp tác
Giải quyết được sự hợp tác giữa cơ sở TVET với các doanh nghiệp sẽ là động lực cho sự phát triển của nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, sự hợp tác này chưa được nhiều, chủ yếu là hoạt động đưa sinh viên đi thực tập. Các hoạt động cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu thực tập chỉ thực hiện được ở mức trung bình. Các hoạt động mời sinh viên thành đạt ở doanh nghiệp đến nói chuyện, mời chuyên gia của doanh nghiệp đến giảng dạy thực hiện được rất ít. Mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình thực hiện rất hạn chế. Xác định việc hợp tác mang lại lợi ích cho các bên liên quan và lợi ích chung của xã hội, doanh nghiệp ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với cơ sở TVET. Nhưng trong thực tế, các chương trình hợp tác với doanh nghiệp tại các cơ sở TVET còn rất hạn chế. Vậy điều gì đã cản trở các chương trình hợp tác với doanh nghiệp triển khai thực hiện tại các cơ sở TVET. Theo đánh giá của các cơ sở TVET: yếu tố cản trở lớn nhất để phát triển các chương trình hợp tác là Nhà nước thiếu các quy định khuyến khích hoặc bắt buộc cơ sở TVET cũng như doanh nghiệp hợp tác với nhau. Các yếu tố cản trở khác là cơ sở TVET thiếu các thông tin về doanh nghiệp; cán bộ, giáo viên thiếu các kỹ năng về phát triển quan hệ hợp tác với doanh nghiệp; cơ sở TVET thiếu các quy định khuyến khích các khoa thực hiện các chương trình hợp tác với doanh nghiệp…..
2.2. Những trở ngại mà cơ sở TVET thường gặp phải
– Khó khăn trong việc nắm được yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng hiện tại, tương lai và nhu cầu tiềm năng. Việc đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại thì đáp ứng nhu cầu tương lai càng khó khăn.
– Thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp không đầy đủ để chia sẻ cho người học
– Vị thế xã hội thấp của các học viên tốt nghiệp TVET đã làm cho công tác tuyển sinh của các cơ sở TVET khó khăn, chất lượng đầu vào thấp.
2.3. Những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam
– Doanh nghiệp Việt Nam thường khó khăn trong việc tiếp cận các cơ sở TVET để tìm kiếm các kỹ thuật viên lành nghề
– Vất vả trong việc tìm kiếm lao động cho các vị trí cần tuyển (sự thiếu hụt nhân lực có đủ kỹ năng)
– Sự chuyển việc thường xuyên của người lao động
– Hạn chề về năng lực của người lao động mới tuyển dụng ( phải đào tạo lại). Mà họ không đủ năng lực về tài chính ( rủi ro sau khi đào tạo đủ năng lực người lao động lại nhảy việc)
3. Các giải pháp thúc đẩy sự hợp tác các cơ sở TVET với doanh nghiệp
3.1. Đổi mới quản lý đào tạo trong các cơ sở TVET: Các cán bộ quản lý trong các cơ sở TVET phần lớn đều trưởng thành từ các giáo viên, còn yếu về nghiệp vụ quản lý. Họ chưa có nhiều kiến thức và kỹ năng quản lý đào tạo theo chu trình PCDA trong đào tạo.
3.2. Xây dựng hệ thống hỗ trợ việc làm trong các cơ sở TVET: Bộ phận này nghiên cứu nhu cầu nhân lực trong các doanh nghiệp và kết nối thông tin giữa người học với nơi sử dụng lao động.
3.3. Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng: (Hội đồng kỹ năng ngành)
Hệ thống đánh giá kỹ năng đánh giá khách quan kỹ năng cho người Lao động và người học và đủ tin cậy cho các doanh nghiệp.
4. Mục tiêu của các giải pháp:
4.1. Đổi mới quản lý đào tạo của các cơ sở TVET
Mục tiêu 1: Đổi mới quản lý đào tạo của các cơ sở TVET để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp đảm bảo có lợi cho tất cả các bên và người học. Đây là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất vì nó là nền móng cho các hoạt động khác.
Để thực hiện giải pháp này các bên phải có các hành động cần thiết như sau:
Chính sách đối với giáo viên của các cơ sở TVET: Các cơ sở TVET cần có chính sách thu hút Giáo viên có kỹ năng nghề phù hợp với sản xuất về giảng dạy chú ý đặc biệt đến các kỹ thuật viên lành nghề đang tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp. Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho giáo viên, đưa giáo viên tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần duy trì kênh đối thoại mở với các Cơ sở TVET. Các tổ chức trung gian như Hiệp hội doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp đóng vai trò là trung tâm thông tin giữa Cơ sở TVET với doanh nghiệp.
Nhà nước tạo nhiều cơ hội hơn nữa để gắn kết mối quan hệ Cơ sở TVET với doanh nghiệp để họ thảo luận về chương trình đào tạo phù hợp.
Mục tiêu 2: Thúc đẩy sự phát triển chương trình đào tạo năng động.
Hiện nay các Chương trình đào tạo đang được chuyển cho các cơ sở TVET xây dựng. Các cơ sở TVET cố gắng thu thập thông tin về nhu cầu kỹ năng, nhưng nhiều Cơ sở TVET không đủ năng lực xây dựng chương trình đào tạo.
Để thực hiện mục tiêu này cần có các hành động cần thiết sau:
Các Cơ sở TVET tận dụng tối đa chương trình đã có để điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chủ động chia sẻ với các Cơ sở TVET các thông tin liên quan đến nhu cầu kỹ năng. Sự quan tâm đến các khóa bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên và cho người lao động.
Nhà nước khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, các chuẩn đầu ra, các hướng dẫn cần thiết để các cơ sở TVET có căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp.
4.2. Xây dựng hệ thống hỗ trợ việc làm trong cơ sở TVET
Hệ thống Hỗ trợ việc làm phải thực hiện được 2 mục tiêu:
Mục tiêu 1: Cung cấp thông tin về cơ hội việc làm một cách đầy đủ và chính xác tới người học nghề. Để đạt được mục tiêu này cần có các hành động sau:
Các Cơ sở TVET nên thành lập bộ phận hỗ trợ nghề nghiệp với đầy đủ nhân lực, là thầy cô giáo, phụ huynh học sinh hoặc những người có quan hệ mật thiết với nhà trường có nhiều trải nghiệm trong nghề nghiệp.
Nhà nước xây dựng chính sách để thúc đẩy giảng viên, và một số người có nhiều trải nghiệm hoặc có kỹ năng hành nghề cao thực hiện tư vấn nghề nghiệp năng động cho người học nghề.
Mục tiêu 2: nâng cao chất lượng các chương trình thực tập. Để đạt được mục tiêu này cần có các hành động sau:
Cơ sở TVET nhanh chóng cải tiến qui trình xây dựng, thực hiện và đánh giá các chương trình thực tập.
Doanh nghiệp nên hợp tác chặt chẽ với Cơ sở TVET để cùng xây dựng chương trình thực tập để có lợi cho cả hai bên.
Nhà nước nên phân tích các trở ngại mà doanh nghiệp, Cơ sở TVET và người học nghề gặp phải trong các chương trình thực tập hiện nay và nhân rộng các chương trình thực tập hiệu quả.
4.3. Phát triển Hệ thống đánh giá kỹ năng
Hệ thống đánh giá kỹ năng cần thực hiện được 2 mục tiêu chính
Mục tiêu 1: Cần cải thiện độ tin cậy và sự thừa nhận xã hội của các kỳ thi đánh giá kỹ năng. Để đạt được điều này cần các hành động sau:
Các Cơ sở TVET cần tổ chức thu nhận, phân tích kỹ các kỹ năng áp dụng trong các doanh nghiệp khi xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng và các kỳ thi đánh giá kỹ năng.
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào xây dựng quy trình nội dung các tiêu chuẩn kỹ năng và các kỳ thi đánh giá kỹ năng.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quy trình phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng thông qua việc xây dựng, thực hiện các chính sách và tuyên truyền vận động.
Mục tiêu 2: Các kỳ thi đánh giá kỹ năng nên được mở rộng một cách chiến lược và bền vững. Để đạt được điều này cần có các hành động.
Các Cơ sở TVET cần phát triển năng lực của các giảng viên là những đánh giá viên trong các kỳ thi kỹ năng, bằng cách đưa vào thực tiễn sản xuất, Bồi dưỡng một cách hệ thống các kỹ năng cần có tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần cử người lao động tham gia các kỳ thi kỹ năng thường xuyên liên tục trong chương trình phát triển kỹ năng của nội bộ doanh nghiệp.
Nhà nước đưa ra một lộ trình khả thi để xây dựng cơ chế quản lý và tài chính bền vững để tiến hành các kỳ thi kỹ năng nghề thường xuyên trên toàn quốc.
Để xem xét tiến độ thực hiện các hành động cần có các chỉ số theo dõi mặc dù tìm ra chỉ số để đo lường là rất khó khăn nhưng có thể sử dụng các chỉ số đại diện (i) tỷ lệ có việc làm đúng nghề đào tạo của người học nghề tốt nghiệp (ii) Các chỉ số về sự thiếu hụt kỹ năng và khoảng cách kỹ năng. Mức thu nhập của người có kỹ năng tốt.
Nhiều Cơ sở TVET đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu về kỹ năng của doanh nghiệp.Tuy nhiên để hiện thực hóa đào tạo “dựa trên nhu cầu”.còn nhiều trở ngại họ rất cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và nhà nước. Quan hệ đối tác 3 bên không chỉ nâng cao năng lực cho Cơ sở TVET mà còn cải tiến thông tin về nhu cầu kỹ năng một cách rõ ràng hơn và có thể xử lý được của bên cung cấp lao động là các cơ sở đào tạo.
Ba giải pháp, mỗi giải pháp có hai mục tiêu cụ thể, thực hiện được các mục tiêu của các giải pháp sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên, nhà nước, cơ sở TVET, doanh nghiệp, người học, đạt được mục tiêu chung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, http://daihoi12.dangcongsan.vn/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340743&cn_id=405097
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
3.http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/08-wirtschaft/08-08_20Arbeit_2C_20Ausbildung_20und_20Studium_20in_20Deutschland/Arbeiten-Studieren-zum-Kopieren/Dua
4. Junichi Mori, Đề xuất chính sách: Thúc đẩy mối quan hệ đối tác ba bên để giải quyết sự khập khiễng trong ký năng jiCA Việt Nam
5.http://www.baomoi.com/dot-pha-chat-luong-day-nghe-tu-mo-hinh-kep/c/10004520.epi

Je neuer das hausarbeit-agentur.com jeweilige werk, desto aktueller die hinweise

Tin Liên Quan